Ludovic Casset (Mã Trí): Câu chuyện của một trong những cầu thủ Việt kiều đầu tiên.
Ludovic “Ludo” Casset có thể là cái tên xa lạ với nhiều cổ động viên ở khu vực Đông Nam Á, nhưng người hâm mộ Việt Nam ắt hẳn khó có thể quên ông Việt kiều Pháp này.
Hiện đang là giám đốc Học viện Etoile FC ở Singapore, cựu cầu thủ người Pháp đã có một sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp ngắn ngủi nhưng đầy ấn tượng cùng Đà Nẵng F.C ở V.League. Trong khi một số đồng đội tại lứa trẻ Auxerre như Abou Diaby và Djibril Cissé có những bước tiến sự nghiệp lẫy lừng ở châu Âu, thì Ludo đã chọn cho mình một con đường riêng, đối lập hoàn toàn, tại một vùng đất còn xa lạ với thế giới bóng đá vào thời điểm đó: Việt Nam.
Ngày nay, bạn có cơ hội được theo dõi rất nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài, đa phần là châu Âu, xuất hiện trên các sân khấu bóng đá trong khu vực Đông Nam Á. Dễ dàng liệt kê ra anh em nhà Younghusband, đã từng có thời gian ăn tập tại lứa trẻ Chelsea, sau đó trở về Philippines để khoác áo đội tuyển quốc gia nước này, hay Indonesia cũng đang thành công vượt bậc với các con em gốc gác xứ Vạn đảo với gương mặt thuần Hà Lan. Tuy nhiên, không phải lúc nào những trường hợp trở về nơi “chôn rau cắt rốn” của tổ tiên cũng gặt hái được thành công. Và dù Ludo không đại diện cho Việt Nam trên trường quốc tế, anh vẫn là người nước ngoài gốc Việt đầu tiên mạnh dạn thử sức trong môi trường đội tuyển bóng đá quốc gia. Chúng ta sẽ cùng nhìn lại sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đầy biến cố của chàng trai trẻ đến từ nước Pháp xa xôi. Và cùng hồi tưởng lại một thời V-League mới mở cửa và chuyên nghiệp hóa.
Cũng giống như các cầu thủ bóng đá Pháp khác, Ludo bắt đầu hành trình chơi bóng tại các đội bóng địa phương, sau đó là đội lớn thuộc vùng Burgundy nơi anh sinh ra và đã có những bước thăng tiến vượt bậc ở các lứa trẻ AJ Auxerre - một trong những cái nôi đào tạo nhân tài hàng đầu đất nước hình Lục lăng. Năm 20 tuổi, Ludo dính chấn thương ACL (đứt dây chằng chéo trước), được gửi đến một trung tâm phục hồi chức năng và trị liệu thể thao chuyên nghiệp ở Tây Nam nước Pháp. Đó là nơi chàng trai trẻ có cuộc hội ngộ đầy tình cờ với Francileudo Santos, một cầu thủ nhập tịch Tunisia gốc Brazil. Anh này đã góp mặt ở FIFA World Cup 2006 cùng đội bóng đến từ Phi Châu. Santos cũng đang điều trị chấn thương mà anh gặp phải khi chơi cho câu lạc bộ Sochaux của Ligue 1.
“Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật, cả hai đều biết nhau. Sau đó, anh ấy hỏi tôi tại sao lại không thi đấu cho Việt Nam. Hồi đó, tôi 20 tuổi và tự hỏi liệu có thực sự bóng đá tồn tại ở châu Á hay không? Bạn biết đấy, vào những năm thập niên 90, người châu Âu nghĩ rằng nếu họ được bốc thăm chung bảng các đội châu Á tại World Cup, điều đó chẳng khác gì trúng số độc đắc cả. Đó chỉ là suy nghĩ cảm quan. Hiện tại, khoảng cách về mặt trình độ không còn lớn như trước nữa, nhưng hồi đó, bạn luôn ao ước được đối đầu với những đồng nghiệp Á châu. Santos đã khai sáng cho tôi rằng bất kể quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, đều sở hữu một nền bóng đá của riêng họ.”
Ludo có thể đã bác bỏ ý kiến ấy, đơn giản là nhận thức non nớt của một chàng trai mới lớn không cho phép anh chấp nhận điều đó. Nhưng những lời nói của Santos đã luôn lẩn khuất và in sâu vào trong tâm trí. Ở tuổi 23, tức ba năm sau, Ludo nhận ra rằng việc lọt vào đội một Auxerre là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Sự cạnh tranh cho các vị trí trong đội hình đã trở nên cực kỳ gay gắt. Chính ở thời điểm này, những câu nói của Santos bỗng dưng hiện ra, và Ludo nhớ lại những gì tiền đạo người Tunisia gợi ý trước đây.
“Tôi đã liên lạc với chú của mình ở Việt Nam, người trước đây từng làm việc với Bộ Giáo dục Việt Nam. Ông đã từng đến Pháp vì Bộ có quan hệ đối tác với một số trường Đại học [Pháp]. Những chuyến công tác khá thường xuyên - có thể một hoặc hai lần trong năm. Vì vậy, tôi đã gửi thư cho ông và ông dặn tôi hãy kiên nhẫn chờ đợi tại Pháp”.
Vài năm sau, chú của Ludo đến Pháp và gặp anh. Khi Ludo lần đầu nói với chú của mình về ý định chơi cho đội tuyển quốc gia Việt Nam, ban đầu ông đã rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông đã hết sức giúp đỡ cháu mình bằng cách liên hệ với một số người quen trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam để xem có thể thu xếp được điều gì hay không. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Ludo rời Pháp sang Việt Nam để thử việc và đánh giá năng lực tại ĐTQG Việt Nam. Thế giới của anh ấy thực sự đã thay đổi chỉ sau một đêm.
Thời điểm Ludo đặt chân đến đất nước hình chữ S, sự kỳ vọng dành cho anh vượt ngoài sức tưởng tượng. Lúc vừa xuống máy bay, Ludo đã gặp một quan chức của chính phủ tại khu vực quá cảnh. Anh này chào đón Ludo và (vì Ludo hầu như không biết tiếng Việt), bằng tiếng Pháp, bắt đầu miêu tả ngắn gọn cho chàng trai trẻ về những kế hoạch sẽ xảy ra tiếp theo.
Chờ đợi bên ngoài là 25 nhà báo được trang bị “vũ khí tối tân” với những câu hỏi hóc búa. Đó là một cú sốc lớn đối với Ludo bởi vì, ngay cả ở Auxerre, không bao giờ xuất hiện nhiều nhà báo như vậy trong các cuộc họp. Ludo được thông báo không thảo luận gì ngoài chuyên môn bóng đá thuần túy và cầu thủ người Pháp hoàn toàn đồng tình. Những lời thổi phồng xung quanh Ludo là có thật. Sau khi thu dọn hành lý, anh gặp một biển người đang háo hức chờ đợi sự xuất hiện của mình. Sau ngày đầu tiên đến Việt Nam đầy hào hứng và khí thế, Ludo đã phải trải qua thời gian thử việc trong hai tuần sau đó - điều mà đối với anh là những kỷ niệm khó phai mờ.
“Bạn biết Rolling Stones đình đám như thế nào rồi chứ, tôi cũng đã từng sống trong cảm giác được săn đón như vậy đấy. Trong hai tuần thử việc, đã có hàng chục nghìn người hâm mộ bóng đá Việt Nam đến chứng kiến tôi thi đấu tại hai trận giao hữu tiền mùa giải. Cảm giác như Zidane hoặc Ronaldinho vậy. Hồi đó mạng xã hội còn chưa phát triển, chẳng có Instagram hay Facebook, nếu không thì tài khoản cá nhân của tôi sẽ bùng nổ mất. Như một cơn sốt vậy.”
“Trong trận đầu tiên thi đấu, tôi đã đánh đầu ghi bàn từ một quả phạt góc. Và đối với tôi, một cầu thủ chơi thiên về phòng ngự (CDM hoặc CB), việc ghi bàn thực sự là thứ gì đó trọng đại. Tôi đã luôn hòa thuận với hầu hết các chàng trai trong đội, nhưng sau đó bắt đầu nhận ra rằng các nhóm lợi ích và thứ bậc xã hội riêng biệt, được phân chia rạch ròi trong phòng thay đồ. Luôn luôn xuất hiện một nhóm cầu thủ có thâm niên và các cậu trai trẻ tuổi hơn. Tôi nhận ra rằng nhóm trẻ phụ thuộc rất nhiều vào nhóm “cựu binh” và nhóm cầu thủ lớn tuổi hơn có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn. Lý tưởng của Nho giáo về việc tôn trọng người lớn tuổi dường như là quy luật bất biến trong phòng thay đồ.” (Còn Tiếp)